Liên kết website

Văn bản mới

Thống kê truy cập

Thông tin chỉ đạo điều hành

BÀI HỌC TỪ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 VÀ BÀI HỌC VỀ TINH THẦN DÂN TỘC VÀ XÂY DỰNG ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ THỜI KỲ HỘI NHẬP

08/09/2023 09:24 3327 lượt xem

Đại thắng Mùa xuân năm 1975 cùng với chiến thắng 30/4 đã mở ra một bước ngoặt mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đã trải qua 48 năm mùa hoa nở, cột mốc 30/4 chói lọi ấy vẫn trường tồn và vang mãi trong lịch sử của cả dân tộc ta và thế giới. Trong diễn biến "bình thường mới", những kinh nghiệm ấy vẫn còn nguyên giá trị - để chiến đấu trước những kẻ thù hung tợn, Nhân dân ta không thể nào chiến thắng nếu như không có Đoàn kết.

Nhắc về chiến công lịch sử - Đại thắng Mùa xuân năm 1975

Đ

ã trải qua 48 năm kể từ ngày cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi mang tầm vóc lịch sử mà chúng ta sẽ không bao giờ quên. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào trong tâm trí của dân tộc Việt Nam ta như một mốc son chói lọi – đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường xây dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung bạo nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đó là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ, đoàn kết và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Đại thắng mùa xuân 1975 nêu bật trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần chiến đấu ngoan cường của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho Nhân dân cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, là dấu son chói lọi vào những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, có ý nghĩa sâu sắc.

Kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết thông qua chiến thắng 30 tháng 4

Để chiến thắng được những kẻ thù “cọp beo”, Nhân dân ta luôn quyết tâm dựng xây tư tưởng về đại đoàn kết, Nhân dân đoàn kết xuất phát từ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của mỗi người dân dựng xây lên. Lớn lên trong thời chiến cùng cực, phải chịu ách bóc lột của thực dân Pháp rồi lại đến phát xít Nhật, cuối cùng là Đế quốc Mỹ hung ác, dân tộc Việt Nam đã nuôi trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc, để có được cuộc sống tự do không bị áp bức, chúng ta phải vùng lên quyết đánh bại kẻ thù. Trên cơ sở các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh nhân dân trường kỳ, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, vừa khởi nghĩa vũ trang vừa tiến công quân sự; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa đánh giặc vừa từng bước xây dựng chế độ chủ nghĩa. Thế trận đó được hình thành ở trên cả ba vùng chiến lược, thậm chí cả ở sâu trong phạm vi của địch, tạo ra sự liên hoàn trên khắp chiến trường miền Nam, giữa miền Nam và miền Bắc và giữa 3 nước anh em (Việt Nam – Lào – Campuchia) trên bán đảo Đông Dương.

Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân đều được tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo một cách bài bản, chặt chẽ, thống nhất bởi một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, tiêu biểu cho lợi ích, trí tuệ thông minh sáng tạo, đạo đức, lương tâm, khát vọng, bản lĩnh và ý chí quật cường của toàn dân tộc. Nhờ vậy, trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân rộng từ các phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó là những phong trào ở miền Nam: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...; các phong trào ở miền Bắc: “Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”, “Làm nghìn việc tốt”; “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”... Cùng với thời gian, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng, còn kẻ địch càng đánh càng bị cô lập, chi phối và sa cơ.

Nắm chắc thời cơ chiến lược, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc động viên tổng lực trong cả nước ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thu giang sơn về một mối. Thực hiện quyết tâm của Đảng, cả dân tộc dốc sức, dồn lực ra quân thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong Mùa xuân 1975 vẻ vang. Mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến là chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh toàn thắng. Qua 55 ngày đêm, hơn 1 triệu quân ngụy và bộ máy ngụy quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ xây dựng qua 5 đời tổng thống hoàn toàn sụp đổ.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang. Dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Ngoài tinh thần đồng lòng quyết chiến của Nhân dân ta, chúng ta sẽ không thể thắng được nếu không có sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa, là hậu phương quốc tế, sự hậu thuẫn vững chắc, nhân tố quốc tế số một, quan trọng nhất đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa là một đảm bảo chắc chắn nâng cao thế và lực cho cuộc kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương xây dựng trên nguyên tắc "hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền" và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, không ngừng được củng cố, vun đắp vì lợi ích chung. Không thể không nhắc tới sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba chiến trường Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam đã buộc quân dịch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho mỗi nước, cho chiến trường chính miền Nam Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quân sự, mở các cuộc tiến công chiến lược tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ vững, mở rộng những địa bàn đứng chân của ta và căn cứ của bạn. Đấy là một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta tự hào và biết ơn những hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam phải biết tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra.

 Đại đoàn kết quốc tế trong thời kỳ hội nhập

Trong thời đại ngày nay, hội nhập toàn cầu là yếu tố quan trọng tinh thần hữu nghị và nhiệm vụ ngoại giao của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì cốt lỗi của tinh thần đoàn kết không chỉ dừng lại ở đoàn kết trong nước người Việt với người Việt, mà đoàn kết ở đây phải hướng đến đoàn kết quốc tế, không phân biệt, mà tôn trọng, bình đẳng, không bài xích, mà yêu thương, giúp đỡ, không được sa vào chủ nghĩa vị chủng, bài ngoại, và cũng không “hòa tan”, vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc trong thời thế hội nhập, tham khảo kinh nghiệm từ các văn hóa khác, biến chuyển phù hợp với môi trường – xã hội.

Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất

Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia. Có thể nhắc đến những hành động tương trợ giữa Việt Nam và các nước khác qua những sự việc gần đây, có thể kể đến như: “Năm 2021, Mỹ tặng cho Việt Nam 1,5 triệu liều vắc xin phòng Covid”, “Cuba cử chuyên gia y tế sang Việt Nam chữa Covid”, “Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp lương thực và cứu hộ người gặp nạn trong vụ động đất kinh hoàng”, “Chính sách giúp đỡ đào tạo giáo dục cấp cao cho sinh viên – cán bộ nước bạn Lào”,….

Phương hướng để xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hiện đại

 Đề cao tinh thần đoàn kết của ông cha ta trong quá khứ, để phát triển tinh thần đoàn kết trong thời kỳ hiện nay cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi sự quản lý, giám sát chặt chẽ giữa hệ thống chính trị với Nhân dân.

Thứ nhất, phát huy và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến toàn thể nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong củng cố, tăng cường sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc cần “phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị”.

Thứ ba, luôn luôn giải quyết tốt mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Không để xảy ra mâu thuẫn và phải kịp thời giải quyết cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa để bắt kịp với thời đại hội nhập quốc tế.

          Thứ tư, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; liên kết chống phá Đảng, Chính quyền nhằm thực hiện " diễn biến hoà bình" trên đất nước ta làm chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế nhận thức sâu sắc hơn, đồng thuận hơn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng. Trong Đại hội XIII cuả Đảng khẳng định “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc"

                Long Biên

Trích yếu

1.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở, NXB lý luận chính trị, Hà Nội.

2.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.

3.Hoàng Thế Liên (2015), Hiến pháp Việt Nam - Những điểm mới mang tính đột phá (Hiến pháp 2013), NXB Tư Pháp, Hà Nội.

4.Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1999), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5.Lý luận và kinh nghiệm của Đảng cộng sản Việt Nam về Công tác dân vận (2014), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2000), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2009), Cẩm nang công tác Mặt trận tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

8.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Triệu Long Biên - Bí thư Đoàn xã Tả Phìn

Tin khác